Công tác nghiệm thu hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong dây chuyền sản xuất gạch không nung tại Công ty TNHH MTV khai thác khoáng sản Thiện Thành
Thứ năm - 26/12/2024 22:13 Đọc bằng audio
330
Ngày 26/12/2024, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Tây Ninh đã tiến hành nghiệm thu đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong dây chuyền sản xuất gạch không nung tại Công ty TNHH MTV khai thác khoáng sản Thiện Thành, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh.
Đây là một bước tiến quan trọng không chỉ đối với công ty mà còn cho sự phát triển bền vững của ngành sản xuất vật liệu xây dựng tại địa phương. Sự kiện này thể hiện sự quan tâm của Nhà nước trong việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm thiểu tác động đến môi trường.
Ưu điểm nổi bật của đề án thông qua việc đầu tư dây chuyền sản xuất gạch không nung mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho quê hương Tân Biên thuộc huyện biên giới đặt trưng về nguồn nguyên liệu sẵn có tại nơi sản xuất cung cấp trực tiếp cho nhà máy. Khi ứng dụng công nghệ tiên tiến: Công ty TNHH MTV khai thác khoáng sản Thiện Thành đã trang bị dây chuyền máy móc mới 100%, công suất đạt 10 triệu viên/năm, sử dụng công nghệ không nung tiên tiến, đảm bảo sản phẩm có chất lượng cao và tiết kiệm nguyên liệu. Mang lại hiệu quả kinh tế khi theo tính toán, chi phí sản xuất mỗi viên gạch là 495 đồng, trong khi giá bán trên thị trường là 1.200 đồng, mang lại lợi nhuận 705 đồng/viên. Điều này giúp công ty gia tăng doanh thu, giảm giá thành và cải thiện phúc lợi cho người lao động.
♦ Bảo vệ môi trường: Gạch không nung không gây ô nhiễm không khí do không qua quá trình nung sấy, góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang gia tăng.
♦ Hỗ trợ sự phát triển bền vững: Đề án này giúp khai thác hiệu quả các nguồn nguyên liệu sẵn có như cát, mạt đá, tro bay, vừa tận dụng tài nguyên, vừa giảm chi phí sản xuất. Đồng thời, công nghệ này phù hợp với xu hướng toàn cầu về giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, dự án cũng đối mặt với một số khó khăn và hạn chế:
• Vấn đề hạ tầng điện: Trong năm 2023, công ty gặp khó khăn về lưới điện, dẫn đến việc phải điều chỉnh và lùi thời gian triển khai dự án sang năm 2024. Điều này cho thấy cơ sở hạ tầng địa phương chưa đồng bộ và cần được cải thiện.
• Phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu: Dù tận dụng được các nguyên liệu như xi măng, cát, mạt đá, nhưng việc khai thác quá mức các nguồn tài nguyên này có thể dẫn đến cạn kiệt và ảnh hưởng đến môi trường trong dài hạn.
• Chi phí đầu tư ban đầu cao: Với tổng vốn đầu tư hơn 3,4 tỷ đồng, đây là một gánh nặng tài chính đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua kinh phí khuyến công địa phương năm 2024 đã hỗ trợ công ty TNHH MTV MTV khai thác khoáng sản Thiện Thành số tiền 240.000.000 đồng tuy không nhiều nhưng giúp công ty giảm bớt chi phí đầu tư một phần nào được giảm bớt.
Dự án này không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn mở ra cách nhìn mới trong phát triển kinh tế bền vững. Thông qua việc thay đổi tư duy sản xuấttừ mô hình sản xuất gạch nung truyền thống sang gạch không nung là bước chuyển mình quan trọng, giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và tiết kiệm năng lượng.
Sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương năm 2024 do Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Tây Ninh thực hiện dưới sự kiểm soát Sở Công Thương tỉnh Tây Ninh kết hợp Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Tân Biên cùng sự chứng kiến của Ủy ban nhân dân xã Tân Phong không chỉ là nguồn lực tài chính mà còn tạo động lực để doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Việc đầu tư vào công nghệ hiện đại giúp công ty không chỉ đáp ứng nhu cầu trong tỉnh mà còn mở rộng thị trường ra ngoài địa phương, góp phần tăng thu ngân sách cho tỉnh Tây Ninh.
Việc nghiệm thu và đưa vào hoạt động dây chuyền sản xuất gạch không nung tại Công ty TNHH MTV khai thác khoáng sản Thiện Thành là minh chứng rõ ràng cho hiệu quả của việc áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất. Dự án không chỉ giúp công ty nâng cao năng lực cạnh tranh, mà còn góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế bền vững cho địa phương. Để duy trì hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp, cơ quan quản lý và các bên liên quan nhằm khắc phục khó khăn, tối ưu hóa nguồn lực và tiếp tục đổi mới sáng tạo trong tương lai. Đây là bước tiến lớn, không chỉ cho công ty mà còn cho ngành công nghiệp vật liệu xây dựng Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển.
Tác giả bài viết: Ngọc Tiên
Nguồn tin: Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến Thương mại Tây Ninh